Hoạt động của Sở Du lịch
Với vị trí địa lý thuận lợi, số giờ nắng cao trong năm, nhiệt độ không khí khá ổn định, không có mùa đông và ít bão; chiều dài bờ biển phần đất liền có nhiều bãi cát đẹp có thể sử dụng làm bãi tắm và hình thành các resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển; hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch khá đồng bộ; môi trường du lịch nhất là môi trường du lịch ven biển ngày càng trở nên sạch, đẹp, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch. Trong định hướng phát triển kinh tế, tỉnh xác định du lịch là một trong bốn trụ cột tập trung phát triển (cùng với công nghiệp, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang hình thành các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế, bên cạnh đó, Tỉnh đã và đang tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng, cụ thể là thành phố Vũng Tàu đã hai lần liên tiếp được vinh danh là "Thành phố du lịch sạch Asean". Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao, đồng bộ cả về chất lượng và số lượng với 1.481 cơ sở lưu trú du lịch (29.820) phòng); 43 đơn vị lữ hành đang hoạt động, trong đó có 21 đơn vị lữ hành quốc tế. Các công trình dịch vụ đẳng cấp, thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước đã hình thành và phát triển như: The The Grand -Ho Tram strip, Six senses Côn Đảo, The Imperial, Pullman, Marina Bay resort, Malibu, Melia at the Hampton… Hạ tầng giao thông kết nối ngày càng được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Trong những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kinh tế số, tri thức số, dữ liệu số; sử dụng nền tảng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu trong quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung quảng bá trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế.
Cùng với việc nước ta đã chính thức mở cửa đường bay quốc tế vào ngày 15/3/2022 sau gần 2 năm phòng chống dịch; phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và miễn thị thực song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Nhờ vậy, đã thực sự khởi sắc và đạt được nhiều thành quả tích cực. Ngành du lịch luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Năm 2022, kết quả đón và phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh rất khả quan với 12,6 triệu lượt khách du lịch tăng hơn 262,86% so với cùng kỳ, trong đó lượt khách quốc tế đến tỉnh hơn 158 ngàn lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 13.029 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch quốc tế đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ các nước thuộc Châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất (gồm khách du lịch Nhật, Hàn Quốc, một số nước ASEAN), tiếp đến là khách du lịch từ thị trường truyền thống như Nga, Belarus, Kazakhstan … Ngoài ra có một số thị trường mới Bắc Mỹ như: Mỹ, Canada; thị trường Trung Đông như Israel, Ai Cập nhưng mức tăng chưa cao.
Năm 2022, tỉnh đã tổ chức đón và làm việc với đại diện của các hãng lữ hành quốc tế từ thị trường Ấn Độ; Tổng cục Du lịch Singapore, các hãng lữ hành Singapore khảo sát du lịch tàu biển tại các cảng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu. Ngoài ra, Tỉnh cũng đã đón hơn 2000 khách tham quan từ các tàu khách du lịch cập cảng tại Côn Đảo và Phú Mỹ.
Ảnh: Sở Du lịch tổ chức đón đoàn lữ hành Singapore khảo sát tại tỉnh BR-VT
Đặc biệt, tỉnh BR-VT có lượng khách cố định là các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các công ty, dự án trên địa bàn tỉnh, sau khi tình hình dịch Covid -19 ổn định thì đây là nguồn khách tham quan, nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú góp phần làm tăng lượng khách quốc tế đến các cơ sở lưu trú của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu bằng việc tổ chức các sự kiện như: chương trình âm nhạc đường phố, chương trình leo núi, xe đạp, thể thao biển cuối tuần... tại thành phố Vũng Tàu.
Bên cạnh những thành quả nêu trên, công tác đón và phục vụ khách du lịch quốc tế đến Bà Rịa- Vũng Tàu thời gian qua còn gặp khó khăn, bất cập trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thị thực áp dụng cho khách du lịch quốc tế vẫn còn là một hạn chế (hiện tại chỉ cho phép khách quốc tế lưu trú du lịch tại Việt Nam trong vòng 15 ngày, giới hạn rất ngắn ngày so với nhiều quốc gia phát triển du lịch khác trong khu vực; quy định khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD tại Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 của Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch đến nay không còn phù hợp; chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đến các thị trường quốc tế; cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai trong thu hút đầu tư các dự án về du lịch nhất là các dự án đầu tư khu vui chơi giải trí còn hạn chế; chưa có chính sách, cơ chế trong việc thực hiện các hợp tác, liên kết vùng…
Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh ven biển, trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Để thực hiện mục tiêu trên, tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 21 tháng 12 năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện và các kiền nghị, đề xuất Chính phủ, cụ thể:
Một là, nỗ lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó, ưu tiên quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn với các thương hiệu quốc tế cao cấp; tập trung nâng cấp sản phẩm du lịch hiện có; phát triển mới các loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, trong đó hình thành, phát triển các khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu của du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phát triển nhanh các loại hình du lịch hỗ trợ (du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch gắn với sức khoẻ, du lịch gắn với thể thao…) nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú cũa du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.
Hai là, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch (Vũng Tàu và phụ cận; Long Hải – Phước Hải và phụ cận; Cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu và phụ cận; Cụm du lịch Côn Đảo); đầu tư hạ tầng kỹ thuật: điện, nước, thông tin liên lạc…đầu tư các công trình, giải pháp xử lý rác thải nhằm đảm bảo môi trường. Đồng thời, tăng cường phát triển giao thông đối ngoại về đường bộ (cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu), đường hàng không (sân bay Long Thành), đường thuỷ (Cảng tàu khách quốc tế), đường sắt… nhằm tăng cường sự liên kết các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế- xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.
Ba là, phối hợp các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đẩy mạnh quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và khu vực phía Nam xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế; tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, triển khai thực hiện ứng dụng các chương trình du lịch thông minh trở thành công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và thực hiện hiệu quả công tác công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Năm là, chú trọng liên kết thu hút đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp ứng xử để đảm bảo có được chất lượng phục vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ tốt ở các điểm đến khác nhau tại các địa phương liên kết phát triển du lịch.
Sáu là, tăng cường kết nối các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và các tỉnh trong vùng để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, một hệ thống mang tính cạnh tranh cao.
Để Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên và phát triển du lịch trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị Trung ương ban hành các chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong đó nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ tại Quyết định số 46/2015/QĐTTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh;
Thứ hai, đề nghị Chính phủ xem xét, nới lỏng các chính sách về thị thực, triển khai rộng rãi chính sách thị thực điện tử và rút gọn quy trình cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam;
Thứ ba, đề nghị Chính phủ xem xét, bỏ nội dung quy định khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD tại Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 của Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch ;
Thứ tư, đề nghị Trung ương ban hành các quy định pháp lý về hợp tác, liên kết vùng nhằm tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác, liên kết vùng nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
Thứ năm, đề nghị Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ trong công tác truyền thông quảng bá du lịch, nhất là quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện thông tin quốc tế;
Thứ sáu, đề nghị Trung ương ban hành chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách về tài chính cho phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực dịch vụ và vui chơi giải trí.
Thứ bảy, đề nghị Trung ương sớm tổng kết Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để có giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới.
Nhật Lệ - Bình Minh