Khách tới Côn Đảo bảo tồn rùa biển, khám phá 'thiên đường' vui không muốn về
Hòn Cau (Côn Đảo) không chỉ sở hữu khung cảnh thiên nhiên đẹp như “thiên đường hạ giới”, mà còn trở thành điểm đến thu hút nhiều người trẻ tới tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển với trải nghiệm “có tiền cũng khó mua”.
Anh Vinh Lê (nhà sáng tạo nội dung, sống tại TPHCM) đã có 7 ngày tham gia làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại Hòn Cau (thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là chương trình do Công viên Quốc gia Côn Đảo và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) phối hợp tổ chức hàng năm.
Hòn Cau nhìn từ trên cao
Trước đó, anh Vinh từng tham gia bảo tồn rùa biển ở nhiều vùng biển trên khắp cả nước như: Ninh Thuận, Cù Lao Câu (Bình Thuận), Bảy Cạnh (Côn Đảo) và Bãi Dương (Côn Đảo).
Theo anh, mỗi nơi đều có điều thú vị riêng để trải nghiệm, song điều quan trọng là có thể góp chút sức lực nhỏ bé vào công tác bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này.
“Trước đây, mình từng đi lặn biển ở Bali (Indonesia) và bắt gặp nhiều rùa biển ở đó. Mình nghĩ không biết đến khi nào mới được gặp rùa biển ở Việt Nam và bắt đầu tìm hiểu thì biết đến chương trình bảo tồn rùa biển này.
Khi đọc những thông tin như chỉ có 1/1000 rùa con có thể sống sót đến tuổi trưởng thành và có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rùa biển đang dần mất đi trên thế giới… mình càng muốn dành thời gian và công sức để góp một phần nhỏ vào công tác bảo tồn rùa biển”, anh nói.
Hòn Cau là địa điểm thu hút rùa biển về đẻ trứng nhiều thứ hai ở Côn Đảo, sau hòn Bảy Cạnh
Theo tập tính, rùa mẹ thường lên bờ đẻ trứng vào buổi tối, khi con nước lớn. Đây cũng là thời gian các tình nguyện viên bắt đầu đi trực, phụ thuộc vào thủy triều lên. Nếu thủy triều lên muộn, họ có thể bắt đầu công việc từ lúc nửa đêm đến rạng sáng.
“Ở Hòn Cau, các tình nguyện viên thay nhau trực luân phiên, canh rùa đẻ. Có hôm mình trực từ 23h, hôm 2h...”, anh Vinh chia sẻ thêm.
Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm rùa biển tìm về các bãi, hòn ở khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre lớn ghi nhận có 20 rùa mẹ lên làm tổ mỗi đêm.
Trung bình, một rùa mẹ đẻ được khoảng 80 trứng, nhưng cũng có trường hợp đẻ hơn 200 trứng tại Côn Đảo
Để đẻ trứng, rùa mẹ phải thực hiện các công đoạn gồm tìm bãi, đào tổ, đẻ trứng và lấp tổ xóa dấu vết.
Chúng sẽ chọn một khu vực cát mịn rồi dùng hai chân trước của mình để san bằng và hạ thấp, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50-70cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng. Quá trình từ khi rùa biển lên bờ đến khi móc xong ổ để đẻ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Rùa mẹ rặn đẻ trứng thành từng đợt, có lúc phải dừng nghỉ để lấy sức. Sau đó, nó mất thêm 20-35 phút nữa để lấp và ngụy trang hố, đảm bảo cho trứng được an toàn. Hoàn thành quá trình sinh sản, rùa mẹ trở về biển và không quay lại thăm ổ trứng lần nào nữa.
Khi rùa lên bờ đẻ trứng, những tình nguyện viên như anh Vinh phải ra bãi biển từ sớm, nhẹ nhàng di chuyển trên cát, dò theo dấu chân rùa để xác định vị trí rùa mẹ. Sau đó quan sát xem rùa mẹ đang ở giai đoạn nào của quá trình sinh nở.
Canh rùa đẻ xong, tình nguyện viên sẽ mang trứng về khu vực ấp để bảo vệ chúng khỏi sự tấn công của con người hay những loài vật khác.
Khu vực ấp trứng rùa biển được chia thành hai khu có hoặc không có mai che nhằm cân bằng tỷ lệ rùa đực, cái. Nhiệt độ xung quanh ổ quyết định giới tính rùa. Thông thường, nhiệt độ nóng hơn 29 độ C sẽ tăng tỷ lệ rùa cái.
"Có đêm, 40 con rùa mẹ lên bờ đẻ trứng. Kỷ lục của nhóm tôi là di chuyển 31 ổ trứng một đêm", anh Vinh kể.
Trung bình sau khoảng 45 – 60 ngày, ổ trứng rùa sẽ nở. Khi ấy, các tình nguyện viên đem rùa con thả về biển. Thời gian thả thường từ khoảng 6h - 8h, khi mặt trời chưa lên cao.
Vị trí thả cách mép biển khoảng 2-3m để rùa tự bò về biển. Đây là đoạn đường mà rùa con sẽ ghi nhớ để hơn 20 năm sau, khi đến tuổi trưởng thành và đến mùa sinh sản, rùa cái sẽ quay về đây để đẻ trứng.
Bên cạnh các công việc liên quan đến công tác bảo tồn rùa biển như theo dõi rùa mẹ đẻ, di chuyển trứng, thả rùa con về biển… nhóm tình nguyện viên còn đảm nhiệm việc hướng dẫn những du khách đã đăng ký xem rùa đẻ.
Họ cũng tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm một số hoạt động thư giãn ngoài trời như tắm biển, lặn ngắm san hô…
“Trở thành tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, mình có thêm nhiều mối quan hệ mới, được thoát khỏi vùng an toàn để sống ở những nơi thiếu thốn hơn nhà mình, từ đó hiểu được sự vất vả của những cán bộ kiểm lâm ở đây.
Ngoài ra mình còn được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ ở các hòn, bãi biển xinh đẹp”, anh Vinh bày tỏ.
Chàng trai đến từ TPHCM nhận xét khung cảnh thiên nhiên ở Hòn Cau rất đẹp, ấn tượng nhất là khu rừng dừa mọc thẳng tắp có tuổi đời hơn 100 năm.
“Đặc biệt, trái dừa ở đây có vị khoáng nữa, uống vào cảm thấy có chút ga nên hương vị thật sự khác biệt so với dừa ở các nơi khác”, anh chia sẻ thêm.
Theo kinh nghiệm của anh, thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm Hòn Cau nói riêng và Côn Đảo nói chung là từ khoảng tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Lúc này biển êm, thời tiết đẹp.
Tuy nhiên, du khách cần xem dự báo thời tiết trước chuyến đi, kiểm tra lịch ca nô hay tàu thuyền chạy ra đảo. Nếu đến đây vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 – mùa rùa biển sinh sản, du khách có thể tham gia các tour trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển.
Nếu có dịp tới Hòn Cau, du khách cũng lưu ý chuẩn bị áo phao, thuê kính lặn (có thể thuê tại Trung tâm Vườn quốc gia khi xin giấy phép), thuốc chống muỗi và chống côn trùng... Đồng thời, cần có hướng dẫn viên của Vườn quốc gia hoặc người địa phương đi cùng nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Nguồn Theo Vietnamnet