Sở Du Lịch TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, vị thế, hấp dẫn du khách

24/07/2024 - 10:08

Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. nhung ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của thị trường, nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Để tìm hiểu rõ hơn về sự nỗ lực của ngành Du lịch tỉnh, phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xoay quanh về vấn đề trên.


Ông Trịnh Hàng - Giám đốc, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

PV: Thưa ông, ông vui lòng khái quát về kết quả tình hình hoạt động thu hút du lịch 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu?

Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang có xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó, ngành Du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể:

- Tổng lượt khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển và nghỉ dưỡng tại tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 8.184.013 lượt khách, đạt 52,65% kế hoạch năm, tăng 16,92% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 2.718.435 lượt khách, đạt 56,72% kế hoạch năm, tăng 19,88% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú ước đạt 120.426 lượt, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 14,72% so với cùng kỳ.

- Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm khoảng 8.743,89 tỷ đồng, đạt 53,02% kế hoạch năm, tăng 17,75% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 3.324,98 tỷ đồng, đạt 56,83% kế hoạch năm, tăng 19,22% so với cùng kỳ (Nghị quyết năm 2024 tăng 13%); doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 174,26 tỷ đồng, đạt 51,25% kế hoạch năm, tăng 39,92% so với cùng kỳ (Nghị quyết năm 2024 tăng 13,33%).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh; Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được triển khai; tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch.

PV: Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ hướng tới việc cải thiện chất lượng bộ mặt đô thị và hạ tầng mà còn nhấn mạnh vào việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển các tiện ích du lịch thông minh. Ông có thể cho biết công tác thực hiện vấn đề này?

Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột, công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. Theo đó, Sở Du lịch đã triển khai thực hiện việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch năm 2024 như: Xây dựng hệ thống quản lý ngành du lịch trên thiết bị thông minh.

Đây là nhiệm vụ đăng ký khâu đột phá về chuyển đổi số ngành du lịch năm 2024. Hệ thống chính của phần mềm là quản lý, báo cáo, thống kê thông tin ngành du lịch như: cơ sở lưu trú, nhà hàng; dịch vụ khác, điểm đến du lịch; cơ sở mua sắm; công ty lữ hành nội địa/quốc tế; hướng dẫn viên quốc tế, nội địa, tại điểm; sản phẩm du lịch; dự án du lịch; quảng bá xúc tiến; sự kiện du lịch; công tác thanh kiểm tra. Thông qua phần mềm này giúp lãnh đạo Sở theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hoạt động của ngành du lịch tỉnh. Từ đó, đưa ra những quyết định, chỉ đạo kịp thời để phát triển ngành du lịch ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, Sở Du lịch đang triển khai thực hiện Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý thông minh đối với ngành du lịch gồm: Xây dựng cổng thông tin du lịch và hệ thống thông tin CSDL chuyên ngành du lịch.

Trong đó, các tiện ích du lịch thông minh xây dựng trên cổng thông tin du lịch gồm: Bản đồ số du lịch; Giới thiệu về tin tức, tiềm năng du lịch, địa điểm du lịch; sự kiện du lịch sắp tới, thông tin các dịch vụ du lịch; Tra cứu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm du lịch; Đánh giá thông tin về du lịch, chuyên đề du lịch; Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn như: nhà nghỉ, khách sạn, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí cũng được mô tả chi tiết về vị trí, chất lượng, giá cả, thông tin về đánh giá, xếp hạng…giúp du khách có những lựa chọn phù hợp và nhanh chóng.

PV: Với vai trò của mình, trong thời gian qua, Sở Du lịch đã có những ý kiến, kiến nghị, tham mưu cho UBND tỉnh thế nào trong việc phát triền Bà Rịa- Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế?

Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong những năm qua, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên biệt về phát triển du lịch chất lượng cao – Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/12/2017; tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết và ban hành Kết luận số 316-KL/TU ngày 24/01/2022 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/12/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025; tham mưu UBND tỉnh trình Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo về công tác phát triển du lịch như Nghị quyết 2163-NQ/BCSĐ; Nghị quyết 3874-NQ/BCSĐ ngày 6/3/2024 và các kế hoạch triển khai thực hiện: Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025; Kế hoạch số 35/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 30/11/2023 về triển khai Quyết định của Bộ VHTTDL về mô hình sản phẩm du lịch ban đêm…

Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh; quy hoạch phân khu đều xác định các không gian, phương án phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 2163-NQ/BCSĐ ngày 07/3/2023 về bổ sung các nội dung, nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm năm 2023, trong đó xác định, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có tối thiểu 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao đến 6 sao (bao gồm hiện có và xây dựng mới), nâng số phòng tối thiểu lên 10.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, trong đó thu hút đạt ít nhất 50% đơn vị vận hành thương hiệu quốc tế; hình thành 30 sản phẩm và chương trình dịch vụ chất lượng cao”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 4 đến 5 sao và tương đương; 11 thương hiệu quốc tế quản lý các khách sạn từ 3 sao hoặc tương đương trở lên…đã góp phần thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cao cấp của tỉnh. Đồng thời, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận Khu du lịch quốc gia Côn Đảo. Trên cơ sở đó, tiếp tục đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật để góp phần phát triền Bà Rịa- Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

PV: Để ngành du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp và bền vững, ông có lời chia sẻ gì đến các doanh nghiệp trong ngành, người dân địa phương và du khách?

Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách và phát triển du lịch tỉnh một cách hiệu quả, tôi mong muốn các doanh nghiệp trong ngành, người dân địa phương và du khách cùng đồng hành với ngành du lịch tỉnh tập trung vào các giải pháp:

Một là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 2163- NQ/BCSĐ ngày 07/3/2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, trong đó phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có tối thiểu có 30 khách sạn tối thiểu 5 sao đến 6 sao (bao gồm hiện có và xây mới), nâng số phòng hiện có tối thiểu lên 10.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, trong đó thu hút đạt ít nhất 50% đơn vị vận hành thương hiệu quốc tế; hình thành 30 sản phẩm dịch vụ và du lịch chất lượng cao.

Hai là, tập trung triển khai thực hiện các chương trình, sự kiện, lễ hội cấp tỉnh như: Chương trình Chào hè định kỳ hàng năm; các sự kiện văn hóa, thể thao; đăng cai và phối hợp tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như: Cuộc thi Hoa hậu quốc gia; các giải thi đấu thể thao…

Ba là, tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo 2 nhóm trụ cột tăng trưởng là: trung tâm nghỉ dưỡng đẳng cấp và trung tâm vui chơi giải trí đặc sắc.

Bốn là, nghiên cứu, nỗ lực cùng các địa phương trong vùng thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được hai mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng Đông Nam bộ trên kênh truyền thông quốc tế.

Năm là, khuyến khích Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch, chủ động liên kết, hợp tác với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hỗ trợ nhau trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

Sáu là, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải chủ động thường xuyên đầu tư hình thành, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch; phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao ứng xử đối với khách du lịch; bảo đảm phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp nêu trên, kỳ vọng trong thời gian tới ngành du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được giao, phấn đấu trở thành một trong bốn ngành kinh tế trụ cột của tỉnh và là địa phương trọng điểm phát triển của vùng Đông Nam bộ.

 

Nguồn Trường Vũ- Hồ Công thực hiện


Đánh giá: