Sở Du Lịch TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 của UBND tỉnh về việc Phê quyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

25/10/2023 - 10:23

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Kế hoạch được xây dựng dựa trên 04 quan điểm, đó là: (1) Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính quyền điện tử vào năm 2023 và hình thành Chính quyền số vào năm 2025; (2) Ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, người dân với cơ quan nhà nước. Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; (3) Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số một cách tập trung, thống nhất, ổn định, linh hoạt; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung; hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh; (4) Triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành; đồng thời phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện và xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, nguồn lực thực hiện đối với từng nhiệm vụ.

Mục tiêu đến năm 2025: hình thành Chính quyền số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:

1. Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội

- 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

- 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

- 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- Phấn đấu trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa. Phấn đấu 100% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 98%.

- Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- Rút ngắn thời gian giải quyết đối với ít nhất 40% thủ tục hành chính, trong đó thời gian rút ngắn của từng thủ tục hành chính phải giảm từ 45 - 50% thời gian giải quyết so với thời gian quy định của Bộ thủ tục hành chính.

2. Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội

- 100% cơ quan nhà nước của tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

- Duy trì, vận hành Hệ thống thông tin Giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số.

3. Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước

- 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến 24/7 bất cứ lúc nào; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.

- 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

- 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

- 90% hồ sơ công việc ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật trên Hệ thống thông tin Báo cáo của tỉnh (LRIS) và kết nối, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống thông tin Báo cáo của Chính phủ, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

- Duy trì, vận hành Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung của tỉnh có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- Trên 30% hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Phấn đấu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thiện Chính quyền số; góp phần đổi mới phương thức làm việc, hoạt động quản lý, điều hành; tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường số được bảo đảm an toàn thông tin mạng; nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 

 

Xem và tải Quyết định tại đây


Đánh giá: